Nội dung và Mục đích Công_ước_châu_Mỹ_về_Nhân_quyền

Theo lời mở đầu, mục đích của Công ước là "để củng cố ở bán cầu này, một hệ thống tự do cá nhân và công bằng xã hội dựa trên sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trong khuôn khổ của các thiết chế dân chủ".

Chương I đưa ra nghĩa vụ chung của các bên ký kết phải bảo vệ các quyền được quy định trong Công ước cho tất cả mọi người thuộc thẩm quyền pháp lý của mình, và làm cho các luật quốc gia của mình phù hợp với Công ước.

Chương II gồm 23 điều, đưa ra một danh sách các quyền dân sựchính trị cá nhân dành cho mọi người, trong đó có quyền sống "nói chung, từ lúc thụ thai",[1] quyền được đối xử nhân đạo, được xét xử công bằng, được có cuộc sống riêng tư, được tự do lương tâm, tự do lập hội, tự do đi lại, v.v...

Điều khoản duy nhất của Chương III nói về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Việc đề cập hơi qua loa về vấn đề này ở đây sau đó hơn 10 năm đã được mở rộng bằng Nghị định thư San Salvador (xem bên dưới).

Chương IV mô tả những trường hợp trong đó một số quyền có thể bị tạm đình chỉ, chẳng hạn như trong các tình trạng khẩn cấp, và các thủ tục phải theo để việc đình chỉ quyền như vậy được hợp pháp.

Chương V đưa ra sự cân bằng giữa các quyền và nghĩa vụ được ghi trong Tuyên ngôn châu Mỹ về quyền và trách nhiệm của con người, chỉ ra rằng các cá nhân đều có các quyền cũng như các trách nhiệm.

Các chương VI, VII, VIII và IX bao gồm các quy định về việc thiết lập và vận hành 2 cơ quan có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Công ước: Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ, có trụ sở ở Washington, D.C., Hoa Kỳ, và Tòa án Nhân quyền liên Mỹ, có trụ sở ở San José, Costa Rica.

Chương X quy định các cơ chế về phê chuẩn, tu chính Công ước, hoặc đưa các quyền bảo lưu vào trong Công ước, hoặc tuyên bố rút ra khỏi Công ước. Nhiều quy định chuyển tiếp được đặt ra trong chương XI.'